Rùa mẹ hơi đuối sức nên lên taxi tìm khách sạn check in trước (chính là căn nhà được xây bằng gỗ bạch dương có chiếc lò sưởi giữa sảnh ăn). Ba bố con tranh thủ đến một cái thác nước ở khá xa, chiều tối mới về. Ngọn thác rất đẹp nhưng không được đến quá gần do sợ đá lở. Tiếc quá.
Tắm giặt, ăn tối xong mỗi đứa một giường, tán phét một lúc rồi lăn ra ngủ tít. Thằng nằm ngược, thằng nằm xuôi vì nhiệt độ trong phòng hơi nóng. Hai chiếc quạt trần phe phẩy nhè nhẹ đến mức ruồi cũng không thèm bay tránh gió! Chỉ muốn tắt phứt đi cho rồi. Sau phát hiện ra phòng ở tầng 2, ngay trên phòng tắm có mạch nước nóng ngầm. Rùa bố mượn cái quạt để bàn, va thế là cả nhà cùng mát. Tuy nhiên anh muốn mát đằng đầu, anh muốn mát phía chân nên mới có sự cố nửa đêm con đạp mặt mẹ, mẹ ôm chặt chân thế là khỏi đạp
Sáng hôm sau cả nhà ra xe đi vườn quốc gia Shiretoko, nơi có Ngũ hồ (5 cái hồ) trên núi. Trước cửa ga có con “chim”. Rùa bố gọi rùa mẹ đố “Con gì kia?” Rùa mẹ trả lời “Con chim cút!” “Chim cút mà thế à?” Thế này mà không phải là chim cút thì thế nào mới cút? (nãy nhìn từ đằng sau, đằng trước trông nó không giống cút mấy tí). Bố khen “con gái còn có lý hơn khi bảo đấy là con chim cánh cụt – ít ra thì nó còn đứng hai chân (chứ chim có mấy chân hở bố con nhà kia?)
Chim ưng, con vật tiêu biểu của Shiretoko.
Điểm đến đầu tiên là Vườn quốc gia Shiretoko, nơi có Ngũ Hồ, 5 hồ ở trên núi. Mùa hè nên gấu đi kiếm ăn, vì vậy dọc đường có nhiều cảnh báo và từng nhóm người đi rung chuông leng keng leng keng để gấu không lại gần. Như những hồi cắm trại trong rừng, cần phải lưu ý không để thức ăn rơi vãi trên đường đi cũng như nơi cắm lều trại.
Suốt quãng đường, DD tỏ ra rất cảnh giác, luôn luôn đi giữa cả nhà chứ không chịu đi trước hay đi sau chót. Sợ thế nhưng hai đứa vẫn râm ran nói chuyện (và cả tranh luận cãi cọ). Mẹ bắt đầu giở trò mẹ mìn khi dọa “Nói nhiều gấu nghe ngứa tai sẽ ra đấy!” Thế là yên thật. Trả lại sự yên tĩnh cho khu rừng.
Trong rừng vắng, ngoài con đường mòn để du khách thăm quan, còn lại tất cả đều được bảo vệ. Ngay cả những ngọn cỏ lau cỏ lác cũng được giữ gìn. Những tấm bảng nhỏ lịch sự ghi nội dung kêu gọi bảo vệ nguồn thực vật ở nơi đây. Hoàn toàn không có rác.
Ở những khu đầm lầy, những tấm gỗ được đóng chắc chắn, đủ để hai người đi ngược chiều nhau mà không phải tránh đường, cũng không quá lớn, không lấn chiếm đất của động thực vật sinh sống trong rừng.
Đến hồ thứ nhất. Chợt nghĩ, mùa thu sang đông cảnh vật nơi đây chắc sẽ đẹp lắm…
Con đường đi đến hồ thứ hai đẹp. Các con thấy những cây nấm nhỏ, những thảm rêu xanh mướt trên phiến đá
Hồ thứ hai rộng hơn hồ thứ Nhất, có hòn đảo nhỏ ở giữa.
Trở ngược ra ngoài, có một cái deck dài gần 1km. Từ trên này có thể nhìn bao quát được hồ lớn.
Vừa mới lúc nãy nhà mình ở bờ bên kia lố nhố đứng xem giống như nhóm người đang đứng kia.
Trên núi, những con vật được tự do hít thở khí trời trong lành và không lo bị dụ vào các quán nhậu. Ở vườn quốc gia Shiretoko có nhiều gấu, nai và cáo. Mẹ đang mải chụp ảnh chú nai đang đứng trên sườn núi, DD gọi ‘Mẹ ơi lại đây xem con DƯƠNG nó đang ăn rau’. Có một chú nai đang ở dưới gầm deck. Sao lại gọi là dương? Khi DD không biết 1 danh từ nào đó (thảng hoặc quên) thì con sẽ tự chế ra một từ khác để thế vào, không cần xin phép ai cả. Con dương tức là con nai.
Và tối qua bố mới ăn món ăn từ thịt nai! Mẹ lo lo…
Chợt nghĩ con nai thật sung sướng khi được sống giữa khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Giá mà cho nó về nhà, vào bếp làm bánh trong thời tiết Ehime như tháng này thì chắc nó … nóng lắm. Và ngược lại, mẹ rùa sẽ rất lạnh nếu ở trong rừng và ăn lá cây chứ không phải là cơm cá kho Phía dưới kia là biển, và bên này là rừng và hồ nước. Giữa đám cây cỏ xanh xanh là con nai nâu nâu (DD bảo thế).
Có cô bé nghển cổ xem nai
Giống như trong một giấc mơ…
Mốc cuối của deck:
Cả nhà ra xe để đi đến thác nước nóng. Hai bộ đồ bơi, hai khăn tắm của hai con đã được chuẩn bị sẵn từ ở nhà. Chỉ phải leo dốc thoai thoải (chính là chân thác nước nóng) khoảng vài phút là lên đến điểm dừng thứ nhất. Nhìn cái dốc cao trơn tuột, dựng đứng trước mặt không ai biết phải tiến hay dừng. Nhưng kìa, người hướng dẫn viên kiêm cứu hộ đã đứng trên cao, vẫy tay gọi lên.
Có nhưng người cẩn thận, chuẩn bị săn giày cỏ để đi khỏi trơn
Hai đứa trẻ đùa dưới làn nước nóng tự nhiên. Không muốn về.
Con đường trở ra, xe lại chạy men theo sườn núi, giống đường lên Tam Đảo. Qua hết núi mới thấy một trang trại nuôi nai. Thở phào, bố ăn thịt nai nuôi chứ không phải thịt nai bắt từ rừng. Qua hết khu vực rừng quốc gia là đến cảng biển. Đi dạo môt vòng mảnh đất của rùa, nơi có rất nhiều ngọn núi nhỏ mang hình dáng con rùa.
Để chụp được tấm ảnh này, rùa bố rủ cả nhà trèo lên đỉnh núi.
Thế là một ngày đã trôi qua ở rừng quốc gia.
Nguồn http://khaitam.wordpress.com